Cây mía được trồng nhiều nơi trên lãnh thổ nước ta, từ đồng bằng tới cao nguyên, đây là một trong những cây trồng quan trọng của ngành sản xuất mía đường; Người nông dân trồng mía cung cấp cho các nhà máy đường để sản xuất ra đường cát trắng, một số ít trồng để ăn và ép nước mía.
BÃ MÍA LÀ GÌ?
Bã mía là phần xơ còn lại của thân cây mía sau quá trình ép mía, đây cũng là sản phẩm phụ của các nhà máy đường; Nó có màu sắc trắng ngà, thường ở dạng bột nhẹ, tơi khô, dễ cháy, không vón cục.
Thành phần của bã mía gồm: Xơ, nước và một lượng nhỏ các chất hòa tan chủ yếu là đường. Bã mía chiếm 25-30% trọng lượng mía đem ép. Bã mía có độ ẩm khoảng 50%, Xơ khoảng 47% (trong đó 45 – 55% xenlulozơ); 2,2% chất hòa tan (đường).
Thành phần hoá học chính của bã mía gồm: Xenlulozơ, Hemixenlulozơ, Lignin, Chất hoà tan khác (tro, sáp, protein…). Tuỳ theo giống mía và đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng nơi trồng mía mà các thành phần hoá học trong bã mía có thể thay đổi.
QUY TRÌNH SẢN XUẤT BÃ MÍA
Mùa thu hoạch mía ở các tỉnh vùng Tây Nguyên thường từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm, đây là thời điểm mía chín; Mía được chặt, đốn bốc lên xe vận chuyển về các nhà máy để sản xuất đường.
Mía đưa vào sản xuất qua trải các công đoạn sau: Xe mía đi qua bàn cân, cân cả xe và mía, lấy mã số để phân tích chữ đường, xe mía di chuyển đến khu vực cẩu, công nhân Kiểm nghiệm lấy mẫu phân tích tạp chất. Từ xe, mía được cần trục cẩu 01 bó xuống xếp bãi và 01 bố đưa lên bàn lùa, từ bàn lùa đưa xuống băng truyền, vào các dao băm số 1, 2, 3 tại đây mía được xé tơi, mía tiếp tục đi theo băng truyền vào các máy ép số 1, 2, 3, 4, 5, 6 tại các máy ép mía được bơm thêm nước thẩm thấu để lấy hết lượng đường trong mía. Sau khi ép lấy nước, phần còn lại là bã mía.
BÃ MÍA
Sau khi ép, bã mía được băng tải đưa vào cửa phân phối bã trước khi vào 2 lò làm nguyên liệu đốt lò hơi để phát điện và cung cấp hơi để nấu đường. Phần bã dư sẽ được băng tải bã đưa sang khu vực nhà chứa bã.
NƯỚC MÍA
Nước mía hỗn hợp (gồm nước mía và nước thẩm thấu) có nồng độ khoảng 14Bx, trị số pH khoảng 4,5 đến 5 được bơm đi xử lý qua nhiều công đoạn trước khi đưa vào nấu các loại đường.
BÃ MÍA DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
Bã mía là một nguyên liệu tiềm năng có thể ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực, như:
- Bã mía có thể được nén thành viên và dùng làm chất đốt được sử dụng để sản xuất điện, nhiệt hoặc sản xuất bột giấy, làm ván ép, tấm trần.
- Bã mía được ủ lên men, phối hợp với một số chất khác làm thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh.
- Bã mía dùng làm giá thể để trồng các loại nấm hoặc giúp cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất cây trồng.
- Bã mía còn dùng làm ống hút, hộp đựng thức ăn vừa rẻ vừa thân thiện với môi trường.
Với những ứng dụng tiềm năng, bã mía được coi là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế bền vững.