MẬT MÍA LÀ GÌ?
Mật mía là một loại chất lỏng dạng si rô có màu nâu vàng và vị thanh ngọt, mật mía được tạo thành từ việc ép nước mía rồi cô đặc, đây cũng là nghề thủ công ở một số vùng miền của nước ta.
Tác dụng của mật mía như thế nào? Đây là những câu hỏi được khá nhiều người quan tâm! Cách làm ra mật mía đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm được. Nếu bạn quan tâm, hãy theo dõi bài viết của mình dưới đây nhé!
Những năm gần đây mật mía đang dần được nhiều người yêu thích và sử dụng vì những lợi ích mà nó mang lại cho sức khoẻ, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nên dùng mật mía thay đường để tạo ra những món ăn ngon nhưng vẫn đảm bảo hương vị của món ăn.
Mật mía thường làm nguyên liệu chế biến các món ăn như: Ướp, kho thịt, cá, làm các món chè … có những nơi dùng để chấm bánh chưng, khoai lang, sắn luộc … hoặc có thể pha vào nước chè xanh, nước vối để thưởng thức.
CÁCH LÀM MẬT MÍA
Nguyên liệu để làm mật mía chính là mía cây, do mía thu hoạch có tính chất thời vụ nên ta chọn thời điểm mía chín nhất tức là chữ đường giữa ngọn và gốc tương đương nhau (chỉ lấy mía ở những ruộng không phun thuốc diệt cỏ hay thuốc sâu), lựa chọn những cây mía thẳng, không sâu bệnh, loại bỏ hết các phần tạp chất như: Ngọn, lá mía, rễ, đất cát … nếu ở vùng Tây Nguyên nên chọn giống mía KK3 vì chữ đường cao, màu sắc nước mía đẹp. Rửa sạch hoặc cạo vỏ ép lấy nước mía (Nếu không có dụng cụ ép nước mía ta có thể ra các quán bán nước mía để nhờ họ ép lấy nước) lọc hết các bã, nước này uống ngay cũng ngon!
Cho nước mía vào nồi và nấu, lúc đầu để lửa to cho nước mía sôi lên, khi nước mía đã sôi cho nhỏ lửa lại, sử dụng muôi vớt các lớp bọt nổi trên bề mặt bỏ đi, đảo đều và đun cho đến khi nước mía đậm đặc lại thành màu nâu vàng là được, có thể cho thêm vài lát gừng thái mỏng vào nồi khi nấu để tạo thêm vị thơm cho mật.
Sau khi nấu xong, để nguội và cho vào hộp sử dụng dần. Cách bảo quản mật mía cũng rất đơn giản, để ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời hoặc cho vào tủ lạnh là có thể dùng trong khoảng 1 năm.
Ngoài ra sản xuất mật mía với số lượng lớn thì phải dùng đến các lò thủ công, người ta sử dụng các bộ che ép mía (thường có 3 quả lô đường kính khoảng 30cm chạy bằng máy nổ) đưa vào các bãi mía, tạo hệ thống 3 đến 4 chảo để nấu theo từng công đoạn cô đặc nước mía thành mật, thời gian nấu khoảng 24 giờ. Mía được chặt, đốn mía đưa vào bộ che ép để tách phần nước, ép vài lần cho kiệt nước mía, phần bã được sử dụng để nấu nước mía. Nước mía sau khi đã nấu thành mật (có mùi thơm, ngọt đặc trưng) được đóng vào các thùng phi hoặc các bao bì lớn thường để bán cho các nhà máy đường, họ sẽ nấu thành đường cát trắng. Tỷ lệ đường trong mật mía càng nhiều giá bán càng cao; Có những thùng phi tỷ lệ đường đóng lên đến 80% còn lại là mật mía.
TÁC DỤNG CỦA MẬT MÍA
Trong thành phần của mật mía chứa một số vitamin và khoáng chất như: Mangan, Magiê, Đồng, Vitamin B-6, Selen, Kali, Sắt, Canxi nên có những tác dụng khiến nhiều người bất ngờ:
- Mật mía có khả năng giúp giảm hấp thụ calorie, việc bổ sung mật mía vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp làm giảm lượng chất béo trong cơ thể.
- Pha loãng và ủ mật mía lên tóc giúp tóc mềm mại, chắc khoẻ và đen hơn, giảm hình thành tóc bạc.
- Các khoáng chất Mg, Mn, Ca trong mật mía giúp ngừa đông máu nên làm giảm cảm giác đau bụng kinh cho các chị em.
- Mật mía được khẳng định tốt hơn đường cát trắng bởi có chỉ số đường huyết thấp hơn rất nhiều.
Tóm lại: Tuy mật mía an toàn cho hầu hết mọi người nhưng việc dùng quá nhiều cũng không tốt. Những người bị bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tiêu hóa không nên dùng.