Nhiều người có sự nhầm lẫm giữa mật mía và mật rỉ đường? Cả hai khá giống nhau về màu sắc, tuy cùng được sản xuất từ cây mía nhưng phương pháp chế biến và công dụng khác nhau, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.
MẬT MÍA
Thường được sản xuất bằng phương pháp thủ công, không sử dụng hóa chất (nếu có người ta cũng chỉ sử dụng một ít vôi), mật mía được sử dụng trong chế biến thực phẩm như: Làm nguyên liệu các loại bánh, chế biến các món chè, nấu ăn và giải khát. Ngoài ra mật mía có vị ngọt, tính bình nên cũng là một vị thuốc giúp thanh nhiệt và giải độc cơ thể.
MẬT RỈ ĐƯỜNG
Hay còn gọi là mật rỉ, mật C, đây là sản phẩm phụ của các nhà máy đường. Nước mía sau khi được xử lý qua các công đoạn gia vôi, xông lưu huỳnh, lắng lọc, bốc hơi, gia nhiệt trở thành mật chè, qua tiếp các công đoạn nấu đường A, B, C ta có mật C, mật này không nấu được thành đường cát trắng.
Trong ngành mía đường, ngoài việc chính là sản xuất đường, thì mật rỉ đường là một phụ phẩm có khả năng mang lại giá trị kinh tế cho nhiều lĩnh vực khác.
ỨNG DỤNG CỦA MẬT RỈ ĐƯỜNG
Mật rỉ đường được sử dụng phổ biến nhất trong ngành nông nghiệp như:
- Ủ phân hữu cơ.
- Nuôi cấy vi sinh.
- Xử lý nước thải.
- Phụ gia thức ăn trong chăn nuôi.
- Lên men tạo ra các sản phẩm nấm, axit amin và axit xitric.
- Dùng sản xuất cồn etylic, bột ngọt …
QUY TRÌNH SẢN XUẤT
Mía cây được thu mua về nhà máy đường, đưa vào sản xuất qua các công đoạn sau: Cẩu xuống bàn lùa, qua các dao băm 1, 2, 3 để xé tơi mía, tiếp đến các máy ép 1, 2, 3, 4, 5, 6 có sử dụng thêm nước thẩm thấu, ta được nước mía hỗn hợp, tiếp tục bơm đi xử lý: Gia vôi sơ bộ – Gia nhiệt 1 – Xông lưu huỳnh (ta có nước mía trong và bùn) – Trung hòa nước mía – Gia nhiệt 2 – Lắng – Gia nhiệt 3 – Bốc hơi – Cô đặc – Lắng nổi – Mật chè – Nấu đường.
Đường non sau khi nấu được xử lý qua các công đoạn sau: Trợ tinh – Tách mật – Sấy – Phân loại – Đường thành phẩm – Cân đóng bao. Đây là một dây chuyền công nghệ khá phức tạp nhiều công đoạn, từ khi đưa nguyên liệu vào sau 48 tiếng mới ra thành phẩm, dây chuyền này yêu cầu phải có chuyên gia cân bằng quá trình sản xuất ở các công đoạn.
Đường được nấu thành 3 loại A, B, C, đến công đoạn Tách mật ta có Mật A, B, C trong đó mật C hay còn gọi là mật rỉ đường.
THÀNH PHẦN
Mật rỉ đường có dạng lỏng, hơi sánh màu nâu đen, có khả năng hòa tan được trong nước, các chỉ tiêu chính:
- Bxcc khoảng 85
- Polcc khoảng 26
- Ap khoảng 30
Mật rỉ đường chiếm 3-5% trọng lượng mía đem ép, thành phần gồm:
- Đường: saccaroza, fructoza, glucoza
- Chất dinh dưỡng: carbohydrat, acid amin,…
- Khoáng chất: P, K, Mg, Ca, Na, Cu, Fe,…
- Còn chứa sáp, steroit và photpholipit
Mặc dù chỉ là một sản phẩm phụ, nhưng hoàn toàn có thể được tận dụng và mang đến lợi ích trong nhiều lĩnh vực. Đây là nguồn nguyên liệu có giá thành rẻ, dễ dàng trong sử dụng và bảo quản. Với những ưu điểm này thì mật rỉ đường sẽ ngày càng phổ biến và nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng.