Vụ sản xuất vừa qua Công ty cổ phần mía đường 333 đã có chính sách hỗ trợ bã bùn cho bà con trồng mía, để sử dụng hiệu quả lượng bã bùn này Công ty hướng dẫn bà con cách làm phân vi sinh từ bã bùn bón cho mía.
Hãy cùng tìm hiểu bã bùn được hình thành như thế nào: Từ cây mía đưa vào sản xuất, qua các hệ thống dao băm, mía được đánh tơi và ép lấy nước; Đến công đoạn lắng ta có nước mía trong và bã bùn; Nước mía trong tiếp tục được gia nhiệt, bốc hơi, cô đặc thành mật chè và đem đi nấu thành đường.
Phần bã bùn qua hệ thống lọc ta có bùn khô và dịch lọc (bao gồm nước và một phần đường trong đó), dịch này được đưa theo đường ống vào thùng nước mía hỗn hợp để tiếp tục xử lý. Trong quá trình lắng phải bổ sung thêm bã mía vào tạo độ xốp giúp lắng lọc dễ dàng nên thành phần của bã bùn chủ yếu là bã mía và các chất huyền phù đọng lại.
Phân vi sinh hiện nay được nhiều bà con quan tâm, vậy phân vi sinh là gì? Làm thế nào để sử dụng hiệu quả loại phân này.
PHÂN VI SINH LÀ GÌ?
Phân vi sinh là sản phẩm được sản xuất từ một hoặc nhiều loại vi sinh vật có lợi trong môi trường như: Vi sinh vật hòa tan, vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải các chất hữu cơ, vi sinh vật kích thích sinh trưởng cây trồng … Trong quá trình sản xuất, phân được pha trộn và cho lên men cùng các vi sinh và nguyên liệu hữu cơ.
Loại phân này kích thích sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giúp cải tạo chất lượng cây trồng, ngăn ngừa nguy cơ về các loại sâu bệnh và không làm hao sức cây; An toàn cho đất, cây trồng, con người và môi trường nên phân vi sinh được sử dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.
MỘT SỐ CÔNG DỤNG CỦA PHÂN VI SINH
- Cải tạo đất, tăng lượng mùn và độ phì nhiêu trong đất giúp đất tơi xốp, hạn chế đất bị bạc màu.
- Kích thích sinh trưởng, tăng cường khả năng chống, chịu bệnh cho cây trồng từ việc bổ sung các nguồn vi sinh vật có lợi.
- Làm giảm lượng chất hóa học trong đất, tiêu diệt thành phần độc hại và chuyển hóa thành nguồn chất có lợi cho cây.
CÁCH LÀM PHÂN VI SINH TỪ BÃ BÙN
Sử dụng bã bùn sản xuất phân bón vi sinh để tránh lãng phí và giảm gây ô nhiễm môi trường. Nhưng trước khi làm được phân vi sinh bà con phải bổ sung thêm một số nguyên liệu khác như: Men vi sinh, mật rỉ đường, urê.
Khi đã có đầy đủ các nguyên liệu cần thiết, bà con làm theo các bước như sau:
- Bước 1: Phơi khô bùn khi độ ẩm còn từ 30-40% là được, không phơi khô quá. Đảo lên, trải đều độ dày khoảng 25cm.
- Bước 2: Sử dụng men vi sinh, mật rỉ đường và urê pha loãng phun lên trên, dùng bạt phủ lại. (Trung bình khoảng 1,5kg mật rỉ đường, 1,5kg urê pha loãng với nước/tấn bã bùn).
- Bước 3: Để nguyên sau 3-4 ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra, nếu không có mùi hôi thối và nhiệt độ khoảng 50-60 độ C là được. Trong trường hợp bốc mùi hôi thối, bà con hãy phơi lại rồi dùng nguyên liệu ủ lại từ đầu.
- Bước 4: Trộn đều đống ủ 3 ngày/lần, sau 10 ngày khi bùn hoai hoàn toàn bà con đã có thể sử dụng phân vi sinh vừa thu được để bón cho cây trồng.
Lợi ích của phân vi sinh mang lại cho cây trồng không hề nhỏ, khi trồng mía bà con cũng nên kết hợp với chất điều hòa pH đất bón cho mía để mang lại hiệu quả cao nhất.