GIỐNG MÍA CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU MÍA ĐƯỜNG

Hiện nay, vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường 333 chủ yếu là giống mía K95 và giống mía KK3 nên nhu cầu chuyển giao giống mía mới cho nông dân được xem là công việc cần thiết, nhằm giúp bà con tiếp cận và sử dụng những giống mía mới phù hợp với đặc điểm, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Giống mía KK3 (tên khác là Khonkaen 3) có nguồn gốc từ Thái Lan, bố mẹ là 85-2-352 x K84-200. Hiện nay, giống mía KK3 đang chiếm gần 60% tổng diện tích trồng mía và đứng đầu trong số các giống trồng phổ biến nhất ở Thái Lan. Giống mía KK3 được Viện Nghiên cứu Mía đường nhập nội chính thức vào Việt Nam năm 2010.

Về đặc điểm hình thái: Đây là giống mía có hình thái đẹp. Dáng bụi xòe. Thân trung bình – to, đều cây, chắc, không bị xốp, không bị bấc ruột. Lóng hình trụ, nối hơi zigzag. Thân màu xanh ẩn vàng, dãi nắng có màu vàng, có sáp che phủ. Không có vết nứt sinh trưởng. Mắt mầm to, hình tròn, nằm sát sẹo lá, đỉnh mầm không có chùm lông; cánh mầm hẹp đóng ở nửa trên của mầm. Rãnh mầm sâu, rộng, dài. Bẹ lá màu xanh, dày, không bị nứt, có nhiều sáp che phủ, không có lông. Lá không tự bong nhưng dễ bóc lá. Cổ lá màu xanh, hình lưỡi dài, non có màu hồng. Có 2 tai lá một dài, một ngắn hình tam giác. Phiến lá trung bình, dày, mềm, mép lá sắc, màu xanh. Chiều cao cây cao nhưng không bị đổ ngã hoặc chỉ đổ ngã ở mức nhẹ. Chống chịu tốt với sâu đục ngọn, sâu đục thân. Không bị nhiễm bệnh than, bệnh thối ngọn. Khi ở môi trường có bệnh trắng lá nhiều chỉ bị nhiễm ở mức độ nhẹ.

Về đặc điểm nông, công nghiệp: KK3 có khả năng mọc mầm khỏe, tuy nhiên, khi gặp điều kiện không thuận lợi, nó mọc mầm hơi chậm. Cây mầm to khỏe. Sức đẻ nhánh mạnh. Mật độ cây hữu hiệu cao. Sức tái sinh tốt, không bị mất khoảng. Khả năng thích ứng rộng. Chịu thâm canh cao. Chịu úng tốt, chịu điều kiện đất nhiễm phèn và nhiễm mặn nhẹ tốt, chống chịu gió bão khá tốt, chịu hạn tốt. KK3 là giống mía chín trung bình sớm (10 – 11 tháng tuổi), không trổ cờ hoặc ít trổ cờ, cho tiềm năng năng suất và chữ đường cao, thích hợp cho chế biến đầu vụ ép. Nhược điểm chính của giống mía KK3 là sinh trưởng chậm trong giai đoạn mọc mầm và tái sinh, do đó cần chăm sóc tốt giai đoạn đầu.

Để tìm được giống mía có năng suất, chữ đường cao là một yếu tố rất quan trọng góp phần đem lại lợi nhuận cho bà con trồng mía; những năm vừa qua Công ty thường xuyên hợp tác với Viện Nghiên cứu Mía đường để khảo nghiệm, sản xuất nhân giống mía mới; qua trồng thử nghiệm, tổ chức hội thảo, đã chọn những giống mía thích hợp cho vùng mía của Công ty như sau:

GIỐNG MÍA VN08-259

Là giống mía lai Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Mía đường lai tạo năm 2008.

  • Đặc điểm tổng thể bụi mía: Dáng bụi xòe, lóng gốc trung bình, ít rễ phụ, dáng ngọn xòe xiên.
  • Đặc điểm hình thái: Thân to, đều cây, lóng hình trụ, nối thẳng, màu xanh ẩn vàng, có nhiều sáp phủ, không có vết nứt sinh trưởng. Mầm hình tròn, nằm sát sẹo lá, đỉnh mầm không có chùm lông, có cánh mầm, có rãnh mầm nông. Đai sinh trưởng lồi, màu vàng. Đai rễ có hai – ba hàng điểm rễ xếp không đều, điểm rễ rõ. Sẹo lá rõ. Bẹ lá màu xanh có vệt tím, có sáp phủ, có lông, mép bẹ lá khô, không tự bong. Lá thìa hẹp. Có 2 tai lá hình tam giác. Cổ lá nhỏ, bị nhăn, hình tam giác, màu xanh. Phiến lá trung bình, dày, cứng, mép lá sắc, màu xanh đậm.
  • Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khỏe, đẻ nhánh mạnh, tốc độ vươn lóng khá nhanh, mật độ cây hữu hiệu cao, kháng sâu bệnh hại, bị trắng lá nhẹ, trổ cờ trung bình, lưu gốc tốt, năng suất cao, đạt trên 80 tấn/ha.
  • Đặc điểm công nghiệp: Hàm lượng đường khá cao, CCS đạt từ 11-13%.

GIỐNG MÍA VN12-81-23

Là giống mía lai Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Mía đường lai tạo năm 2012.

  • Đặc điểm hình thái: Dáng bụi xòe, gốc lóng thưa, ít rễ phụ, dáng ngọn chụm xiên. Thân to, không đều cây, lóng hình trụ, nối thẳng, màu xanh ẩn vàng, không có vết nứt sinh trưởng. Mắt mầm hình ngũ giác, to, lồi, đỉnh mầm có lông, không có rãnh mầm. Đai sinh trưởng rộng, lồi. Đai rễ có 2 – 3 hàng, xếp không đều, điểm rễ rõ. Bẹ lá màu xanh ẩn tím, có sáp, có ít lông, không tự bong. Có 2 tai lá, tai lá trong hình tam giác ngắn, tai lá ngoài không rõ. Cổ lá hình lưỡi cong, màu tím. Phiến lá hơi ngắn, rộng, dầy, cứng, mép lá sắc, màu xanh đậm.
  • Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khỏe, đẻ nhánh mạnh, mật độ cây hữu hiệu cao. Tốc độ vươn lóng nhanh, chống chịu đổ ngã turng bình, chống chịu sâu bệnh hại khá tốt, tái sinh gốc tốt, cho năng suất cao, trên 100 tấn/ha.
  • Đặc điểm công nghiệp: Chất lượng tốt, trên 12 CCS.

GIỐNG MÍA VNN-01

Ngoài 02 giống trên Viện Nghiên cứu Mía đường cũng khuyến cáo bà con nên trồng giống mía VNN-01

  • Năng suất bình quân: 113 tấn/ha
  • Chữ đường bình quân: 14 CCS
  • Nhiễm trung bình bệnh than, kháng trung bình bệnh thối đỏ.
  • Thích hợp đất pha sét, đất đủ ẩm hoặc tưới.

Theo nghiên cứu, giống mía rất quan trọng nhưng vai trò của kỹ thuật canh tác cũng không kém phần quan trọng do đó nếu có giống tốt bà con cũng cần tìm hiểu bản chất của từng giống để khai thác cho hiệu quả. Sử dụng mía thịt làm mía giống và mía không rõ nguồn gốc có thể làm phát sinh sâu bệnh hoặc giảm hiệu quả của mía.

One thought on “GIỐNG MÍA CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU MÍA ĐƯỜNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *